Bản án và quyết định của Toà án là kết quả giải quyết các vụ án, vụ việc. Hành vi cố ý không chấp hành bản án hoặc quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật không chỉ trực tiếp xâm phạm hoạt động của cơ quan thi hành án mà còn vô hiệu hoá kết quả của các hoạt động tư pháp đã thực hiện. Hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội không hành án được quy định tại Điều 380 Bộ luật Hình sự. Cùng tìm hiểu các dấu hiệu pháp lý và hình phạt áp dụng đối với tội phạm này tại bài viết dưới đây:
I. Dấu hiệu pháp lý
1. Dấu hiệu chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội này được quy định là người có nghĩa vụ phải chấp hành các bản án hoặc quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, có thể là bị cáo trong vụ án hình sự hoặc đương sự trong vụ án dân sự, vụ án hôn nhân gia đình,…
2. Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm
– Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi dưới hình thức “không hành động”. Cụ thể là hành vi không chấp hành bản án hoặc quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.
– Bản án cũng như các quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật là cơ sở pháp lý làm phát sinh nghĩa vụ pháp lý cho chủ thể nhất định. Nếu chủ thể này có điều kiện mà không thực hiện nghĩa vụ đó thì có đủ cơ sở buộc họ phải chịu TNHS về không hành động của mình.
3. Dấu hiệu xác định hành vi được quy định là tội phạm
Hành vi không chấp hành bản án hoặc quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật cấu thành tôi phạm trong các trường hợp sau:
– Chủ thể đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Điều đó có nghĩa, hành vi không chấp hành bản án hoặc quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật trong trường hợp chủ thể chưa bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành không bị coi là hành vi khách quan của tội phạm. Chỉ bị coi là hành vi khách quan của tôi phạm nếu sau khi đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế mà chủ thể vẫn tiếp tục không chấp hành bản án hoặc quyết đinh đã có hiệu lực pháp luật; hoặc
– Chủ thể đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không chấp hành bản án hoặc quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.
4. Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm
Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý. Người phạm tội biết mình có nghĩa vụ phải chấp hành bản án hoặc quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Đồng thời, người phạm tội cũng đã biết có biện pháp cưỡng chế thi hành án.
II. Hình phạt
1. Khung hình phạt chính
– Khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm;
– Khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 02 năm đến 05 năm, được áp dụng cho trường hợp chủ thể đã có hành vi chống lai chấp hành viên hoặc người đang thi hành công vụ (để ngăn cản việc thi hành án) hoặc đã tẩu tán tài sản hoặc có thủ đoạn có tính gian dối, gây khó khăn lớn cho cơ quant hi hành án.
2. Khung hình phạt bổ sung
Khung hình phạt bổ sung được quy định (có thể được áp dụng) là hình phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Số 1 Hà Nội. Chúng tôi chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, nhanh chóng cho các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có vướng mắc các vấn đề pháp lý liên quan.
Mọi thắc mắc của Quý khách hàng xin vui lòng liên hệ theo thông tin sau:
- Điện thoại: 024.6656.9880 – Hotline: 096.128.9933
- Email: luatso1hanoi@gmail.com
- Fanpage: Công ty Luật Số 1-HN
- Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà số 33 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.