LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 201/QĐ-HĐLSTQ |
Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 2019 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH BỘ QUY TẮC ĐẠO ĐỨC VÀ ỨNG XỬ NGHỀ NGHIỆP LUẬT SƯ VIỆT NAM
HỘI ĐỒNG LUẬT SƯ TOÀN QUỐC
Căn cứ Luật Luật sư;
Căn cứ Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt tại Quyết định số 1573/QĐ-BTP ngày 28 tháng 8 năm 2015;
Căn cứ Quy chế làm việc của Hội đồng Luật sư toàn quốc, Ban Thường vụ Liên đoàn, các cơ quan giúp việc và đơn vị trực thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam (ban hành kèm theo Quyết định số 27/QĐ-HĐLSTQ ngày 4/02/2016 của Hội đồng luật sư toàn quốc);
Căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-HĐLSTQ ngày 9/10/2019 của Hội đồng Luật sư toàn quốc nhiệm kỳ II, phiên họp thứ IX; Kết quả lấy ý kiến của Hội đồng Luật sư toàn quốc thông qua Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam theo Tờ trình số 06/TTr-BTV ngày 13/11/2019 của Ban Thường vụ Liên đoàn;
Xét đề nghị của Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam gồm Lời nói đầu, 06 Chương và 32 Quy tắc. Bộ Quy tắc này thay thế Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam được Hội đồng luật sư toàn quốc thông qua và ban hành ngày 20 tháng 7 năm 2011.
Điều 2. Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam là cơ sở để xây dựng các giá trị chuẩn mực của nghề luật sư; thực hiện việc giám sát, xem xét khen thưởng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật đối với luật sư trong phạm vi tổ chức xã hội – nghề nghiệp luật sư.
Điều 3. Luật sư thành viên Liên đoàn Luật sư Việt Nam có nghĩa vụ tuân thủ và thực hiện Bộ Quy tắc này.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam giải thích, hướng dẫn chi tiết các quy tắc trong Bộ Quy tắc này.
Điều 5. Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc, Ủy viên Ban Thường vụ, các Ủy ban, Đơn vị trực thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Ban Chủ nhiệm các Đoàn Luật sư, các luật sư thành viên Liên đoàn, Tổng thư ký Liên đoàn và các cá nhân, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: – Các Đoàn luật sư; – Bộ Tư pháp (để b/c); – Cục Bổ trợ tư pháp – BTP; – Lưu: VPLĐ. |
TM. HỘI ĐỒNG LUẬT SƯ TOÀN QUỐC LS.TS Đỗ Ngọc Thịnh |
BỘ QUY TẮC
ĐẠO ĐỨC VÀ ỨNG XỬ NGHỀ NGHIỆP LUẬT SƯ VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019 của Hội đồng luật sư toàn quốc)
LỜI NÓI ĐẦU
Nghề luật sư ở Việt Nam là một nghề cao quý, bởi hoạt động nghề nghiệp của luật sư nhằm mục đích góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; góp phần phát triển kinh tế – xã hội, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp là nền tảng cơ bản của nghề luật sư. Luật sư phải có bổn phận tự mình nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn; nêu gương trong việc tôn trọng, chấp hành pháp luật; tự giác tuân thủ các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp trong hoạt động hành nghề, trong lối sống và giao tiếp xã hội.
Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư quy định những chuẩn mực về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, là thước đo phẩm chất đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư. Mỗi luật sư phải lấy Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư làm khuôn mẫu cho sự ứng xử và tu dưỡng, rèn luyện để giữ gìn uy tín nghề nghiệp, thanh danh của luật sư, xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội.
Chương I.
QUY TẮC CHUNG
Quy tắc 1. Sứ mệnh của luật sư
Luật sư có sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Quy tắc 2. Độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan
Luật sư phải độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, không vì lợi ích vật chất, tinh thần hoặc bất kỳ áp lực nào khác để làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.
Quy tắc 3. Giữ gìn danh dự, uy tín và phát huy truyền thống của luật sư
3.1. Luật sư coi trọng, bảo vệ danh dự, uy tín của đội ngũ luật sư như bảo vệ danh dự, uy tín của chính mình; xây dựng, củng cố, duy trì niềm tin của khách hàng, cộng đồng xã hội với luật sư và nghề luật sư.
3.2. Luật sư có nghĩa vụ phát huy truyền thống tốt đẹp của nghề luật sư; thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn; giữ gìn phẩm chất, nhân cách và uy tín nghề nghiệp; có thái độ ứng xử đúng mực, có văn hóa trong hành nghề và lối sống; xứng đáng với sự tin cậy, tôn trọng của xã hội đối với luật sư và nghề luật sư.
Quy tắc 4. Tham gia hoạt động cộng đồng
4.1. Luật sư luôn sẵn sàng và tích cực tham gia vào những hoạt động vì lợi ích chung của cộng đồng xã hội, phù hợp với nghề nghiệp của luật sư.
4.2. Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý bằng sự tận tâm, vô tư và trách nhiệm nghề nghiệp như đối với các vụ việc có nhận thù lao.
Chương II.
QUAN HỆ VỚI KHÁCH HÀNG
Mục 1. NHỮNG QUY TẮC CƠ BẢN
Quy tắc 5. Bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng
Luật sư có nghĩa vụ tận tâm với công việc, phát huy năng lực, sử dụng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng theo quy định của pháp luật và Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.
Quy tắc 6. Tôn trọng khách hàng
Luật sư thực hiện việc cung cấp dịch vụ pháp lý trên cơ sở yêu cầu hợp pháp của khách hàng, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp và sự lựa chọn của khách hàng.
Quy tắc 7. Giữ bí mật thông tin
7.1. Luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng khi thực hiện dịch vụ pháp lý và sau khi đã kết thúc dịch vụ đó, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc theo quy định của pháp luật.
7.2. Luật sư có trách nhiệm yêu cầu các đồng nghiệp có liên quan và nhân viên trong tổ chức hành nghề của mình cam kết không tiết lộ những bí mật thông tin mà họ biết được và luật sư có trách nhiệm giải thích rõ nếu tiết lộ thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Quy tắc 8. Thù lao
Luật sư phải giải thích cho khách hàng những quy định của pháp luật về căn cứ tính thù lao, phương thức thanh toán thù lao; thông báo rõ ràng mức thù lao, chi phí cho khách hàng và mức thù lao, chi phí này phải được ghi trong hợp đồng dịch vụ pháp lý.
Quy tắc 9. Những việc luật sư không được làm trong quan hệ với khách hàng
9.1. Nhận, chiếm giữ, sử dụng tiền, tài sản của khách hàng trái với thỏa thuận giữa luật sư và khách hàng.
9.2. Gợi ý, đặt điều kiện để khách hàng tặng cho tài sản hoặc lợi ích khác cho luật sư hoặc cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em của luật sư.
9.3. Nhận tiền hoặc bất kỳ lợi ích nào khác từ người thứ ba để thực hiện hoặc không thực hiện công việc gây thiệt hại đến lợi ích của khách hàng.
9.4. Tạo ra hoặc lợi dụng các tình huống xấu, những thông tin sai sự thật, không đầy đủ hoặc bất lợi cho khách hàng để gây áp lực nhằm tăng mức thù lao đã thỏa thuận hoặc có được lợi ích khác từ khách hàng.
9.5. Sử dụng thông tin biết được từ vụ việc mà luật sư đảm nhận để mưu cầu lợi ích không chính đáng.
9.6. Thông tin trực tiếp cho khách hàng hoặc dùng lời lẽ, hành vi ám chỉ để khách hàng biết về mối quan hệ cá nhân của luật sư với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác nhằm mục đích gây niềm tin với khách hàng về hiệu quả công việc hoặc nhằm mục đích bất hợp pháp khác.
9.7. Cố ý đưa ra những thông tin làm cho khách hàng nhầm lẫn về khả năng và trình độ chuyên môn của mình để tạo niềm tin cho khách hàng ký kết hợp đồng.
9.8. Hứa hẹn, cam kết bảo đảm kết quả vụ việc về những nội dung nằm ngoài khả năng, điều kiện thực hiện của luật sư.
9.9. Lợi dụng nghề nghiệp để quan hệ tình cảm nam nữ bất chính với khách hàng.
9.10. Lạm dụng các chức danh khác ngoài danh xung luật sư trong hoạt động hành nghề để mưu cầu lợi ích trái pháp luật.
Mục 2. NHẬN VỤ VIỆC
Quy tắc 10. Tiếp nhận vụ việc của khách hàng
10.1. Khi được khách hàng yêu cầu tiếp nhận vụ việc, luật sư cần nhanh chóng trả lời cho khách hàng biết về việc có tiếp nhận vụ việc hay không.
10.2. Luật sư không phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, tuổi tác, sức khỏe, khuyết tật, tình trạng tài sản của khách hàng khi tiếp nhận vụ việc. Trường hợp biết khách hàng thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí thì luật sư thông báo cho họ biết.
10.3. Luật sư chỉ nhận vụ việc theo điều kiện, khả năng chuyên môn của mình và thực hiện vụ việc trong phạm vi yêu cầu hợp pháp của khách hàng.
10.4. Luật sư có nghĩa vụ giải thích cho khách hàng biết về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của họ trong quan hệ với luật sư; về tính hợp pháp trong yêu cầu của khách hàng; những khó khăn, thuận lợi có thể lường trước được trong việc thực hiện dịch vụ pháp lý; quyền khiếu nại và thủ tục giải quyết khiếu nại của khách hàng đối với luật sư.
10.5. Khi nhận vụ việc của khách hàng, luật sư phải ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Trong hợp đồng dịch vụ pháp lý phải xác định rõ yêu cầu của khách hàng, mức thù lao và những nội dung chính khác mà hợp đồng dịch vụ pháp lý phải có theo quy định của pháp luật.
Quy tắc 11. Những trường hợp luật sư phải từ chối khi tiếp nhận vụ việc của khách hàng
11.1. Khách hàng thông qua người khác yêu cầu luật sư mà luật sư biết rõ người này có biểu hiện lợi dụng tư cách đại diện cho khách hàng để mưu cầu lợi ích không chính đáng làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của khách hàng.
11.2. Khách hàng yêu cầu dịch vụ pháp lý của luật sư mà luật sư biết rõ khách hàng có ý định lợi dụng dịch vụ đó cho mục đích vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc khách hàng không tự nguyện mà bị phụ thuộc theo yêu cầu của người khác.
11.3. Có căn cứ rõ ràng xác định khách hàng đã cung cấp chúng cứ giả hoặc yêu cầu của khách hàng trái đạo đức, vi phạm điều cấm của pháp luật.
11.4. Vụ việc của khách hàng có xung đột về lợi ích theo quy định tại Quy tắc 15.
Mục 3. THỰC HIỆN VỤ VIỆC
Quy tắc 12. Thực hiện vụ việc của khách hàng
12.1. Luật sư chủ động, tích cực giải quyết vụ việc của khách hàng và thông báo tiến trình giải quyết vụ việc để khách hàng biết.
12.2. Luật sư nhận và có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn tài liệu, hồ sơ mà khách hàng giao cho mình theo quy định của pháp luật hoặc thỏa thuận với khách hàng.
12.3. Khi thực hiện vụ việc, luật sư phải có thái độ ứng xử phù hợp, tránh làm phát sinh tranh chấp với khách hàng. Nếu có bất đồng giữa luật sư và khách hàng hoặc có khiếu nại của khách hàng, luật sư cần có thái độ đúng mực, tôn trọng khách hàng, chủ động thương lượng, hòa giải với khách hàng.
12.4. Trong trường hợp đang cùng thực hiện một vụ việc, nếu có sự không thống nhất ý kiến giữa các luật sư có thể gây bất lợi cho khách hàng thì luật sư phải thông báo để khách hàng thực hiện quyền lựa chọn.
Quy tắc 13. Từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc của khách hàng
13.1. Luật sư có thể từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc trong các trường hợp sau đây:
13.1.1. Khách hàng đưa ra yêu cầu mới mà yêu cầu này không thuộc phạm vi hành nghề luật sư hoặc trái đạo đức, trái pháp luật;
13.1.2. Khách hàng không chấp nhận ý kiến tư vấn giải quyết vụ việc đúng pháp luật, phù hợp với đạo đức do luật sư đưa ra, mặc dù luật sư đã cố gắng phân tích thuyết phục;
13.1.3. Khách hàng vi phạm cam kết theo hợp đồng dịch vụ pháp lý mà các bên không thể thỏa thuận được hoặc quan hệ giữa luật sư với khách hàng bị tổn hại không phải do lỗi của luật sư;
13.1.4. Có sự đe dọa hoặc áp lực về vật chất hoặc tinh thần từ khách hàng hoặc người khác buộc luật sư phải làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp;
13.1.5. Có căn cứ xác định khách hàng đã lừa dối luật sư.
13.2. Luật sư phải từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc trong các trường hợp sau đây:
13.2.1. Có căn cứ xác định khách hàng sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư để thực hiện hành vi vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức;
13.2.2. Phát hiện vụ việc thuộc trường hợp quy định tại Quy tắc 11;
13.2.3. Các trường hợp phải từ chối do quy định của pháp luật hoặc trường hợp bất khả kháng.
Quy tắc 14. Giải quyết khi luật sư đơn phương chấm dứt thực hiện dịch vụ pháp lý
Khi đơn phương chấm dứt thực hiện dịch vụ pháp lý theo Quy tắc 13, luật sư cần có thái độ tôn trọng khách hàng, thông báo bằng văn bản cho khách hàng trong thời hạn hợp lý để khách hàng có điều kiện tìm luật sư khác, đồng thời giải quyết nhanh chóng các vấn đề liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký kết.
Quy tắc 15. Xung đột về lợi ích
15.1. Xung đột về lợi ích là trường hợp do ảnh hưởng từ quyền lợi của luật sư, nghĩa vụ của luật sư đối với khách hàng hiện tại, khách hàng cũ, bên thứ ba dẫn đến tình huống luật sư bị hạn chế hoặc có khả năng bị hạn chế trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng.
Luật sư không được nhận hoặc thực hiện vụ việc trong trường hợp có xung đột về lợi ích, trừ trường hợp được phép theo quy định của pháp luật hoặc theo Quy tắc này.
15.2. Trong quá trình thực hiện vụ việc, luật sư cần chủ động tránh để xảy ra xung đột về lợi ích. Nếu phát hiện có xung đột về lợi ích xảy ra ngoài ý muốn của luật sư thì luật sư cần chủ động thông báo ngay với khách hàng để giải quyết.
15.3. Luật sư phải từ chối tiếp nhận vụ việc hoặc từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc trong các trường hợp sau đây:
15.3.1. Vụ việc trong đó các khách hàng có quyền lợi đối lập nhau;
15.3.2. Vụ việc trong đó khách hàng mới có quyền lợi đối lập với khách hàng hiện tại; vụ việc khác của khách hàng là người đang có quyền lợi đối lập với khách hàng hiện tại trong vụ việc luật sư đang thực hiện.
15.3.3. Vụ việc trong đó khách hàng mới có quyền lợi đối lập với khách hàng cũ trong cùng một vụ việc hoặc vụ việc khác có liên quan trực tiếp mà trước đó luật sư đã thực hiện cho khách hàng cũ;
15.3.4. Vụ việc của khách hàng có quyền lợi đối lập với quyền lợi của luật sư hoặc cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em của luật sư;
15.3.5. Vụ việc mà luật sư đã tham gia giải quyết với tư cách người tiến hành tố tụng, cán bộ, công chức khác trong cơ quan nhà nước, trọng tài viên, hòa giải viên;
15.3.6. Vụ việc của khách hàng do cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em của luật sư đang cung cấp dịch vụ pháp lý có quyền lợi đối lập với khách hàng của luật sư;
15.3.7. Trường hợp luật sư không được nhận hoặc thực hiện vụ việc cho khách hàng quy định tại Quy tắc 15.3 này, luật sư khác đang làm việc trong cùng tổ chức hành nghề luật sư cũng không được nhận hoặc thực hiện vụ việc, trừ trường hợp tại Quy tắc 15.3.4 và 15.3.6.
15.4. Luật sư vẫn có thể nhận hoặc thực hiện vụ việc trong các trường hợp tại Quy tắc 15.3, nếu có sự đồng ý bằng văn bản của khách hàng, trừ các trường hợp sau đây:
15.4.1 Các trường hợp bị cấm theo quy định của pháp luật;
15.4.2 Các vụ án, vụ việc tố tụng, vụ việc khiếu nại hành chính, vụ việc giải quyết tranh chấp theo thủ tục trọng tài, hòa giải thương mại;
15.4.3 Trường hợp tại Quy tắc 15.3.5.
Mục 4. KẾT THÚC VỤ VIỆC
Quy tắc 16. Thông báo kết quả thực hiện vụ việc
Khi kết thúc vụ việc, luật sư cần thông tin cho khách hàng biết về kết quả thực hiện vụ việc và thanh lý hợp đồng theo thỏa thuận.
Chương III.
QUAN HỆ VỚI ĐỒNG NGHIỆP
Quy tắc 17. Tình đồng nghiệp của luật sư
17.1. Trong giao tiếp, hành nghề luật sư, luật sư phải tôn trọng lẫn nhau, không phân biệt tuổi tác và thời gian hành nghề.
17.2. Luật sư không để kết quả thắng, thua trong hành nghề làm ảnh hưởng đến tình đồng nghiệp của luật sư.
Quy tắc 18. Tôn trọng và hợp tác với đồng nghiệp
18.1. Luật sư có ý thức tôn trọng, hợp tác và giúp đỡ đồng nghiệp trong hành nghề cũng như trong cuộc sống; góp ý kịp thời khi thấy đồng nghiệp làm điều sai trái, ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp luật sư.
18.2. Trường hợp các luật sư có quan điểm khác nhau khi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cùng một khách hàng trong cùng vụ việc, luật sư cần trao đổi để tránh xảy ra mâu thuẫn, gây ảnh hưởng đến tình đồng nghiệp và quyền lợi của khách hàng.
Quy tắc 19. Cạnh tranh nghề nghiệp
Luật sư không thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đồng nghiệp.
Quy tắc 20. Ứng xử khi có tranh chấp quyền lợi với đồng nghiệp
20.1. Trường hợp có tranh chấp quyền lợi với đồng nghiệp, luật sư cần thương lượng, hòa giải để giữ tình đồng nghiệp; chỉ thực hiện việc khiếu nại, khởi kiện đồng nghiệp khi việc thương lượng, hòa giải không có kết quả.
20.2. Trước khi khiếu nại, khởi kiện đồng nghiệp, luật sư cần thông báo cho Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư nơi mình là thành viên và Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư nơi đồng nghiệp là thành viên biết để có thể hòa giải.
Quy tắc 21. Những việc luật sư không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp
21.1. Có lời nói, hành vi vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của đồng nghiệp hoặc gây áp lực, đe dọa đồng nghiệp.
21.2. Thông đồng, đưa ra đề nghị với luật sư của khách hàng có quyền lợi đối lập với khách hàng của mình để cùng mưu cầu lợi ích cá nhân.
21.3. Tiếp xúc, trao đổi riêng với khách hàng đối lập về quyền lợi với khách hàng của mình để giải quyết vụ việc khi biết khách hàng đó có luật sư mà không thông báo cho luật sư đồng nghiệp bảo vệ quyền lợi hoặc luật sư đại diện cho khách hàng đó biết.
21.4. Thuê, trả tiền môi giới khách hàng hoặc môi giới khách hàng cho đồng nghiệp để nhận tiền hoa hồng.
21.5. Thực hiện các hành vi nhằm mục đích giành giật khách hàng như:
21.5.1. So sánh năng lực nghề nghiệp, phân biệt vùng, miền hoạt động hành nghề của luật sư hoặc tổ chức hành nghề luật sư này với luật sư, tổ chức hành nghề luật sư khác;
21.5.2. Xúi giục khách hàng từ chối đồng nghiệp để nhận vụ việc về cho mình hoặc xúi giục khách hàng khiếu nại, tố cáo luật sư đồng nghiệp;
21.5.3. Trực tiếp hoặc sử dụng các nhân viên của mình hoặc người khác làm người lôi kéo, dụ dỗ khách hàng, trước trụ sở các cơ quan tiến hành tố tụng, trại tạm giam, cơ quan nhà nước và các tổ chức khác.
21.6. Áp đặt hoặc cố tình chi phối làm ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan trong hành nghề của đồng nghiệp có quan hệ phụ thuộc với luật sư như quan hệ thầy – trò, cấp trên – cấp dưới, huyết thống, thân thuộc.
21.7. Có hành vi tạo thành phe, nhóm giữa các luật sư để cô lập đồng nghiệp trong quá trình hành nghề.
21.8. Thực hiện việc liên kết, liên danh, thành lập nhóm luật sư hoạt động trái với quy định của pháp luật về luật sư, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Bộ Quy tắc đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư.
Quy tắc 22. Ứng xử của luật sư trong tổ chức hành nghề luật sư
22.1. Luật sư tôn trọng, cư xử đúng mực với đồng nghiệp, nhân viên trong tổ chức hành nghề luật sư.
22.2. Luật sư trong tổ chức hành nghề luật sư có biện pháp hợp lý trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình để đảm bảo tổ chức hành nghề luật sư, các thành viên trong tổ chức tuân thủ Bộ quy tắc; chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm trong tổ chức hành nghề luật sư nếu:
22.2.1. Yêu cầu thực hiện hành vi vi phạm hoặc đồng ý với hành vi vi phạm đã xảy ra;
22.2.2. Biết hành vi vi phạm đã xảy ra trong khi có thể tránh được hoặc giảm nhẹ hậu quả nhưng đã không có biện pháp khắc phục.
Quy tắc 23. Ứng xử của luật sư hành nghề với tư cách cá nhân
23.1. Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân không để bị chi phối bởi các yêu cầu, quy định nội bộ của cơ quan, tổ chức để làm trái pháp luật, Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư.
23.2. Trong phạm vi công việc được phân công phụ trách, nếu phát hiện cán bộ, nhân viên của cơ quan, tổ chức chuẩn bị hoặc đang có hành vi vi phạm pháp luật hoặc vi phạm quy định nội bộ của cơ quan, tổ chức có khả năng gây thiệt hại đến lợi ích của cơ quan, tổ chức, thì luật sư cần giải thích và đưa ra ý kiến để người đó từ bỏ ý định hoặc dừng hành vi vi phạm.
Trong trường hợp cần thiết, luật sư cần báo cáo với người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức về hành vi vi phạm.
Quy tắc 24. Quan hệ với người tập sự hành nghề luật sư
24.1. Luật sư hướng dẫn phải tận tâm, nhiệt tình, trách nhiệm, đối xử tôn trọng với người tập sự hành nghề luật sư.
24.2. Luật sư hướng dẫn không được làm những việc sau đây:
24.2.1. Phân biệt đối xử với những người tập sự hành nghề luật sư;
24.2.2. Đòi hỏi tiền bạc, lợi ích khác từ người tập sự hành nghề luật sư;
24.2.3. Lợi dụng tư cách luật sư hướng dẫn để buộc người tập sự hành nghề luật sư phải làm những việc không thuộc phạm vi tập sự nhằm phục vụ cho lợi ích cá nhân của luật sư hướng dẫn;
24.2.4. Xác nhận không phù hợp với quy định của pháp luật và quy định của Liên đoàn Luật sư Việt Nam vào Nhật ký tập sự hành nghề luật sư và Hồ sơ thực hành để người tập sự hành nghề luật sư được tham gia kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.
Quy tắc 25. Quan hệ của luật sư với tổ chức xã hội – nghề nghiệp luật sư
25.1. Luật sư có nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ danh dự, uy tín, chấp hành Điều lệ, nghị quyết, quyết định, quy định, quy chế, nội quy của Liên đoàn Luật sư, Đoàn Luật sư.
25.2. Mọi ý kiến đóng góp của luật sư với Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư phải bảo đảm sự trung thực, khách quan, mang tính chất xây dựng, góp phần vào việc phát triển tổ chức xã hội – nghề nghiệp luật sư và nghề luật sư.
Chương IV.
QUAN HỆ VỚI CƠ QUAN, NGƯỜI TIẾN HÀNH TỐ TỤNG
Quy tắc 26. Quy tắc chung khi tham gia tố tụng
26.1. Luật sư phải nghiêm chỉnh chấp hành nội quy và các quy định có liên quan trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng; có thái độ hợp tác, lịch sự, tôn trọng những người tiến hành tố tụng mà luật sư tiếp xúc khi hành nghề; chủ động, tích cực thực hiện các quyền và nghĩa vụ của luật sư khi tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.
26.2. Khi cần trao đổi ý kiến về nghiệp vụ với người tiến hành tố tụng, những người hoặc cơ quan có thẩm quyền khác, luật sư phải giữ tính độc lập của nghề nghiệp luật sư để góp phần vào việc bảo vệ công lý, công bằng xã hội.
Quy tắc 27. Ứng xử tại phiên tòa
27.1. Luật sư phải chấp hành nội quy phiên tòa, nội quy phòng xử án, tuân theo sự điều khiển của chủ tọa và hội đồng xét xử; tôn trọng người tiến hành tố tụng, luật sư đồng nghiệp và những người tham gia tố tụng khác; có thái độ ứng xử đúng mực khi tranh tụng tại phiên tòa; có thiện chí, hợp tác khi giải quyết các tình huống phát sinh ảnh hưởng đến trật tự hoặc tiến trình giải quyết vụ việc tại phiên tòa.
27.2. Trong luận cứ bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, luật sư phải tôn trọng sự thật khách quan, đưa ra những tài liệu, chứng cứ pháp lý giúp cho việc giải quyết vụ án được khách quan, đúng pháp luật.
27.3. Trước những hành vi sai trái, thái độ thiếu tôn trọng luật sư hay khách hàng của luật sư tại phiên tòa cũng như trong quá trình tố tụng, luật sư luôn giữ bình tĩnh và thực hiện quyền kiến nghị, yêu cầu thỏa đáng, hợp lệ, đúng pháp luật.
Quy tắc 28. Những việc luật sư không được làm trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng
28.1. Phát biểu những điều biết rõ là sai sự thật trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc nơi công cộng về những vấn đề có liên quan đến vụ việc mà mình đảm nhận hoặc không đảm nhận nhằm gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng.
28.2. Phản ứng tiêu cực bằng hành vi tự ý bỏ về khi tham gia tố tụng.
28.3. Thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật.
Chương V.
QUAN HỆ VỚI CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KHÁC
Quy tắc 29. Ứng xử của luật sư trong quan hệ với các cơ quan nhà nước khác
29.1. Khi tiếp xúc, làm việc với các cơ quan nhà nước khác với tư cách đại diện ngoài tố tụng, luật sư tư vấn hoặc thực hiện dịch vụ pháp lý khác cho khách hàng, luật sư phải tuân thủ quy định của pháp luật, nội quy, quy định của cơ quan nhà nước và quy định phù hợp của Chương IV Bộ Quy tắc này.
29.2. Trong quan hệ với cơ quan nhà nước khác để thực hiện công việc cho khách hàng, luật sư cần có thái độ lịch sự, tôn trọng, kiên quyết từ chối những hành vi móc nối, trung gian trái pháp luật, trái đạo đức và lương tâm nghề nghiệp.
29.3. Luật sư có nghĩa vụ giải thích cho khách hàng các quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo; khuyến nghị khách hàng tránh việc khiếu nại, tố cáo trái pháp luật, gây tốn kém thời gian, tiền bạc của Nhà nước, người dân và ảnh hưởng đến quản lý nhà nước về trật tự an toàn xã hội.
Quy tắc 30. Ứng xử trong quan hệ với các tổ chức, cá nhân khác
Khi tiếp xúc, làm việc với các tổ chức, cá nhân khác, luật sư có thái độ ứng xử đúng mực, không được có lời nói, việc làm ảnh hưởng đến uy tín và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân đó.
Chương VI.
CÁC QUY TẮC KHÁC
Quy tắc 31. Thông tin, truyền thông
31.1. Khi cung cấp thông tin cho báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, sử dụng mạng xã hội, luật sư phải trung thực, chính xác, khách quan.
31.2. Luật sư không được sử dụng báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để cố ý phản ánh sai sự thật nhằm mục đích cá nhân, động cơ khác hoặc tạo dư luận nhằm bảo vệ quyền lợi không hợp pháp của khách hàng hoặc phát ngôn gây ảnh hưởng đến an ninh, lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng.
31.3. Luật sư không được viết bài, phát biểu trên báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, tại nơi công cộng, sử dụng mạng xã hội để nói xấu, công kích, bài xích hoặc gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ giữa các luật sư đồng nghiệp; gây tổn hại đến danh dự, uy tín của luật sư, nghề luật sư, Đoàn Luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Quy tắc 32. Quảng cáo
32.1. Khi quảng cáo về hoạt động hành nghề luật sư, luật sư không được cung cấp những thông tin không có thật hoặc thông tin gây hiểu nhầm. Luật sư phải chịu trách nhiệm khi cam kết trong quảng cáo về chất lượng dịch vụ luật sư.
32.2. Luật sư không được thực hiện việc quảng cáo làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của đội ngũ luật sư, nghề luật sư./.